Thiết kế và phát triển Caproni Campini N.1

Năm 1931, kỹ sư người Italy là Secondo Campini đệ trình một báo cáo về tiềm năng của động cơ đẩy phản lực lên Regia Aeronautica, năm 1932 ông đã chứng minh bằng một mẫu thủy phi cơ lắp động cơ phản lực ở Venice. Năm 1934, Regia Aeronautica chấp thuận phát triển một mẫu máy bay phản lực để chứng minh nguyên lý đã đưa ra.

Theo thiết kế của Campini, máy bay không có động cơ phản lực theo nghĩa mà chúng ta biết ngày nay. Thay vào đó, một động cơ piston Isotta Fraschini L. 121/R.C. 40 công suất 700 kW (940 hp) được sử dụng để chạy một máy nén, nén không khí vào buồng đốt, tại đây không khí được trộn lẫn với nhiên liệu và đốt cháy. Luồng khí từ động cơ phụt qua họng xả đẩy máy bay về phía trước. Campini gọi cấu hình này là "thermojet," nhưng thuật ngữ "motorjet" lại được sử dụng phổ biến ngày nay cho loại động cơ trên, còn tên gọi thermojet hiện được dùng để chỉ loại động cơ xung phản lực (pulsejet) (một dạng không liên quan của động cơ phản lực). Nó cũng được mô tả như một quạt kéo trong (ducted fan).[2]

Nhà thiết kế máy bay người Ý Luigi Stipa (1900–1992) cho rằng máy bay thử nghiệm Stipa-Caproni của mình, mẫu thiết kế quạt kéo trong năm 1932 là máy bay đầu tiên sử dụng cái mà ông gọi là một "cánh quạt trong ống" – bản chất của nguyên lý motorjet – và vì vậy ông cho rằng mình xứng đáng được công nhận là người phát minh ra động cơ phản lực. Mẫu máy bay Caproni-Campini N.1 sử dụng nhiều nguyên lý đầu tiên được thử nghiệm trong máy bay của Stipa-Caproni, dù trong dạng tiên tiến hơn.